Lilian: Có thể

Lần cuối cùng tôi nghe album của chị Lilian là những ca khúc ngoại remix chị hát bằng tiếng Anh. Tuy đã mấy mươi năm rồi nhưng tiếng hát của chị vẫn in sâu vào tâm trí của tôi. Mấy ngày gần đây tình cờ tìm được album Không thể của chị trên Spotify. Với chất giọng khỏe khoắn, chị xử lý “Không thể và có thể” của Phó Đức Phương bằng cảm xúc của chị hơn là kỹ thuật nên người nghe dễ cảm nhận và dễ gần. Có lần xuất hiện trong chương trình “Tuesday Live Music” của Lung Tùng Xèng, chị cho biết là chị chưa từng đi học hát bao giờ. Nhờ có chất giọng trời cho cùng với kỹ năng tự học hỏi, chị đã tạo một phong cách riêng cho chính mình. Chị có thể chuyên chở nhẹ nhàng trong giai điệu bossa-nova qua ca khúc “Vết thương cuối cùng” của Diên An. Chị có thể hòa quyện với giọng ca Quang Tuấn trong “Nỗi đau vô tình” của Huỳnh Nhật Tân. Chị có thể bốc cháy trong “Trống vắng” của Quốc Hùng. Album này đã phát hành năm 2011 nên một số bài hòa âm nghe hơi bị lỗi thời nhưng tiếng hát của chị vẫn đỉnh.

Nguyễn Đình Tuấn Dũng: Tuyển tập

Với chất giọng trầm ấm và sâu lắng, Nguyễn Đình Tuấn Dũng trình bài lại những ca khúc quen thuộc theo dạng acoustic mộc mạc và gần gũi. Chẳng hạn như anh biết bài hit thị trường của nhạc sĩ Thái Thịnh “Nếu anh được chọn lựa” thành một bài thính phòng êm dịu với tiếng hát của anh cùng với tiếng đàn dương cầm. “Hãy đến với anh”, ca khúc Pháp lời Việt, cũng được anh hát nhẹ nhàng và lãng mạn cùng với tiếng dương cầm êm dịu và tiếng đàn violin da diết. Các ca khúc như “Tình bơ vơ” (Lam Phương), “Cây đàn bỏ quên” (Phạm Duy), “Cà phê một mình” (Ngọc Lễ) đều có trong Tuyển tập những bài hát hay nhất của Nguyễn Đình Tuấn Dũng. Không rõ đây có phải là một official album của ca sĩ hay là Spotify chọn lọc.

Phạm Hoài Nam: Trịnh jazz

Đây là lần đầu tiên tôi nghe tiếng hát của Phạm Hoài Nam. Anh có chất giọng trầm ấm và cách hát lạc quan. “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” chẳng hạn, anh hát mộc mạc tuy bài phối khí rất là swing làm tôi nhớ đến phong cách của Benny Goodman. “Chiều một mình qua phố” cũng swing nhưng phong cách của Count Basie. “Sóng về đâu” chỉ đơn giản giọng hát của anh được đệm theo đàn guitar và đàn bass. Tóm lại là phần nhạc theo điệu jazz và blues đưa tiếng hát Phạm Hoài Nam lên một bậc.

Quốc Bảo và Nguyên Hà: Những bài hát dành tặng

Album này đã phát hành vào năm 2021. Thế mà giờ đây tôi mới có dịp để nghe. Mỗi ca khúc của Quốc Bảo do chính tay nhạc sĩ đệm đàn acoustic guitar được Nguyên Hà ôn lại những kỷ niệm anh đã viết tặng. Giọng hát của cô mang nhiều trải nghiệm nhưng lắng đọng hơn. Với phần mộc mạc của đàn guitar, cô hát với những cảm xúc của chính mình.

Lệ Quyên: Khúc tình xưa (Lam Phương)

Album này phát hành đã khá lâu (1996) nhưng tôi chỉ mới nghe gần đây thôi. Phải công nhận rằng Lệ Quyên thổi một làn gió mới vào các ca khúc của cố nhạc sĩ Lam Phương. Cô hát “Phút cuối” rất muồi nhưng rất Lệ Quyên. Đêm khuya một mình nằm nghe album từ đầu đến cuối khỏi ngủ.

Nguyên Hà: Hồi ức thanh xuân

Hồi ức thanh xuân là một album dễ thương của tiếng hát dễ mến. “Yêu như ngày hôm qua” (Nguyễn Anh Vũ) mở đầu album với nhịp điệu swing tung tăng qua phần phối khí tươi tắn của nhạc sĩ Phạm Hải Âu. Phần intro cho “Nhắm mắt thấy mùa hè” (Hồ Tiến Đạt) với tiếng kèn trumpet và dàng dây thật tuyệt dịu như là một bài music score cho một bộ phim. Nhưng ca khúc giết người là “Những cơn mưa mùa đông” (Đức Trí). Chỉ cần câu đầu thôi là đủ chết rồi, “Những cơn mưa mùa đông rớt từng giọt bùi ngùi / Vỡ đôi, làm tan mất nỗi buồn đánh rơi”. Trên đoạn đường 10 tiếng đồng hồ lái xe trong đêm khuya, tôi nghe đi nghe lại album này ba lần. Mỗi lần nghe mỗi lần thấm.

Đức Trí: Như chưa bắt đầu

Với những tình khúc trẻ trung bốc cháy một thời, Đức Trí chứng minh sự trưởng thành của mình qua sự hòa âm phối khí già dặn và lắng đọng lại. Xưa kia nghe Phương Thanh gào thét não nề trong “Đêm nghe tiếng mưa” và “Cố quên được đâu” thì giờ đây Nguyên Hà thì thầm nhẹ nhàng qua phần orchestra êm dịu.

Khi xưa Hồ Ngọc Hà hát “Và em đã yêu” với con beat R&B dồn dập thì giờ đây Đức Trí dùng acoustic để phần hoà âm giãn ra với giọng hát nhỏ nhẹ của Nguyên Hà. Quyên Linh hát “Ước mơ trong đời” rất tốt với phần hoà âm theo giai điệu blues nồng nàn, nhất là với tiếng muted trumpet.

Lê Hiếu, Lân Nhã, và Hà My cũng đóng góp tiếng hát của mình trong album này. “Giận anh” là ca khúc duy nhất với chất rock nhẹ. Như chưa bắt đầu cho ta được nghe lại những tình khúc quen thuộc nhưng sâu lắng hơn.

Thùy Chi: Nỗi yêu bé dại

Thùy Chi có giọng hát mong manh như sương khói. Chỉ cần nghe thoáng qua cũng bị lôi cuốn. Tôi ấn tượng ngay khi nghe cô hát “Đánh rơi bên hồ” (Việt Anh) và “Một thời đã xa” (nhạc Trường Hy và lời thơ Nguyễn Thanh Hà) được nhạc sĩ Đức Trí hòa âm theo dạng acoustic.

Tôi có nghe dự án Nỗi yêu bé dại của Đức Trí và Thùy Chi cũng khá lâu nhưng tuần trước mới có dịp nghe. Những bài pop ballad nghe nhẹ nhàng nhưng hơi bị buồn… ngủ. “Dáng lụa cung tơ” và “Dạt dào thương lắm” là hai ca khúc đỡ buồn (ngủ) nhất nhờ có một chút giai điệu dân gian. Đức Trí chơi đàn tỳ bà thật tuyệt diệu.

“Chắc vì em đã” là một bài hit dễ nghe và dễ gần: “Chắc là vì em đã chọn sai con đường / Nên suốt đêm qua em khóc nhiều lắm.” Đức Trí dùng dàng dây đệm bài này thật mát tai.

Đức Tuấn – Phú Quang in symphony: Hà Nội và em khi thu chớm đông sang

Album đôi của Đức Tuấn thu âm 16 ca khúc của Phú Quang đã phát hành vào cuối năm của 2018 mà giờ này tôi mới phát hiện. Đức Tuấn rất chịu đầu tư vào phần nhạc nên những sản phẩm của anh rất đáng giá. Từ “Nỗi nhớ mùa đông” đến “Hà Nội ngày trở về”, Đức Tuấn hát những ca tư sâu lắng với tất cả tâm hồn. Chất giọng của anh đẹp và miệt mài. Tuy album đã được thu âm hơn 6 năm mà nghe vẫn tươi sáng.

Hồng Nhung: Bóng là ai

Hồng Nhung ca nhạc Trịnh qua phần hòa phối khí theo giai điệu jazz thì còn chỗ nào phê bình được nữa. Giọng của cô như rượu vang. Càng ngày càng thêm độ sâu, chẳng hạn như cô hát “Vết lăn trầm” với chất blues nồng nàn. Với “Ru ta ngậm ngùi”, cô nâng giọng alto của minh lên khi hát những nốt cao nhưng vẫn giữ được nét êm dịu. Đặc biệt là ca khúc “Như cánh vạc bay”, cô được Clara Simonoviez hát lời Pháp rất dễ thương. Hồng Nhung cũng hát lời Pháp cho ca khúc “Bống bồng ơi”. Dĩ nhiên tôi không biết cách phát âm tiếng Pháp của cô ra sao. Nếu có phê bình thì chỉ phần đó thôi. Ngoài ra đây là một album có giá trị để thưởng thức và tôi sẽ nghe đi nghe lại nhiều lần trong tương lai.