Buông lơi

Tôi không biết lội nhưng vẫn bơi luôn. Tôi buông lơi những âu lo. Tôi buông lơi những đắn đo. Tôi buông lơi những phiền não. Tôi buông lơi những tham vọng. Tôi buông lơi hết những gì ngoài tầm tay.

Tôi yêu nghề thiết kế lắm. Nhưng sau hai mươi mấy năm trong nghề, tôi nhận được rằng tôi yêu công việc nhưng công việc chưa từng yêu lại tôi. Công việc có thể bỏ tôi đi bất cứ lúc nào. Vài năm gần đây tôi chỉ nương tựa công việc để nuôi sống gia đình. Tôi vẫn nuôi dưỡng đam mê thiết kế của mình bằng những sáng tạo tự do không kiếm ra tiền.

Nhắc đến tiền, tôi cũng yêu tiền lắm nhưng tiền chẳng bao giờ yêu lại tôi. Tôi dồn hết công sức để đem tiền về với mình nhưng tiền lúc nào cũng bỏ tôi đi. Tiền âm thầm ra đi (trong credit cards) không một lời từ giả. Giờ đây tôi cũng buông lơi tiền. Tiền yêu đến tôi không mong đợi gì. Tiền yêu đi tôi không hề hối tiếc. Cho nên tôi chẳng bao giờ xem túi tiền mình còn bao nhiêu. Cần thì xài, đừng phung phí là được rồi.

Trong tình người, tôi cũng buông lơi những mối quan hệ không thể níu kéo lại được nữa. Dù anh chị em một nhà hay họ hàng hay bè bạn, có quan tâm nhau thì vui vẻ qua lại. Còn không quan tâm nhau thì cũng không quan trọng. Tôi luôn trân trọng và quý mến những người quan tâm đến mình, nhất là những ai rộng lượng bỏ qua được những mâu thuẫn hoặc những sai lầm của tôi. Dĩ nhiên những người không quan tâm đến mình hay vẫn hẹp hòi thì cũng không cần phải miễn cưỡng hay bận tâm.

Nỗi sai lầm lớn nhất của tôi ngày xưa là quá xem trọng tình nghĩa nên có những lúc không kiềm chế được cảm xúc của mình. Giờ đây tôi đã kiểm soát được sự cảm động của mình. Không quá kỳ vọng khi một ai thân thiện với mình. Không thất vọng khi một ai đối xử tệ với mình. Quang trọng là đừng đem đến căng thẳng và phiền muộn cho nhau.

Càng già, càng trải nghiệm, tôi nhận thức được sự quan trọng khi ta buông lơi. Đừng gánh nặng những gì hại đến sức khỏe. Trong cuộc sống hiện tại có quá nhiều thứ đưa chúng ta đến trầm cảm. Ngoài những môn thể thao trượt tuyết để rèn luyện sức khỏe, buông lơi là cách giúp tôi phục hồi tinh thần và vượt qua những khó khăn trong đời sống.

Hiền Lê: Vĩ cầm ca

Khác với những album trước tôi đã nghe, Vĩ cầm ca không theo phong cách acoustic. “Tình ca phố” (Quốc Bảo) được phối khí theo electronic đương đại. “Lối cũ ta về” (Thanh Tùng) được dàn dựng theo orchestra. “Chưa bao giờ” (Việt Anh) được hòa âm theo pop ballad. “Chuyện tình thảo nguyên” (Trần Tiến) thì hơi upbeat một chút. Tóm lại là những ca khúc Hiền Lê trình bài rất tốt, nhất là “Lối cũ ta về”. Tuy nhiên album không được cái concept cụ thể từ đầu đến cuối nên phần trải nghiệm hơi bị xáo trộn.

Hiền Lê: Gió heo may

Thêm một album thu âm acoustic của Hiền Lê. Trong đây cô thu các ca khúc nhạc Việt lãng mạn của nhiều tác giả như “Phố mùa đông” của Bảo Chấn, “Mùa thu cho em” của Ngô Thụy Miên, và “Nhìn những mùa thu đi” của Trịnh Công Sơn. Cô vẫn hát với tiếng đàn guitar và violin. Riêng “Nỗi nhớ mùa đông” của Phú Quang và “Chia tay hoàng hôn” của Thuận Yến được đệm với đàn piano và violin. Một sản phẩm đơn giản, gần gũi, và đầy cảm xúc.

Hiền Lê: Em vẫn như ngày xưa

Gần đây tôi thích nghe những album acoustic của Hiền Lê và đặc biệt là album này cô trình bày những nhạc phẩm của nhạc sĩ Trần Tiến. Cả bảy ca khúc điều đạt cả nhất là “Ngẫu hứng phố” và “Quê nhà” với hai nhạc cụ guitar và saxophone. Đây là một album mộc mạc, nhẹ nhàng, cảm tình, và rất Hà Nội. “Hôm nay ta buồn lắm đấy, hôm nay ta cô đơn làm sao”, hôm nay ta sẽ nghe lại album này.

Hiền Lê: Tình

Hiền Lê trình bài nhạc Trịnh với phong cách acoustic qua nhạc cụ guitar, violin, và flute. Thấm thía nhất là “Mưa hồng” với những cú móc đàn violin nhẹ nhàng như những hạt mưa rơi tí tách và phần kéo solo đầy cảm xúc. Ngược lại “Ngẫu nhiên” thì tươi vui hơn và nhanh hơn một tí. Tiếng sáo cộng thêm phần nhộn nhịp của thiên nhiên. Chỉ đáng tiếc là liên khúc “Tình nhớ” với “Tình xa” và liên khúc “Ru ta ngậm ngùi” với “Ru đời đi nhé”. Bài này xen lẫn bài nọ nghe lãng xẹt.

Hiền Lê: Trời còn mưa mãi

Chưa từng nghe qua Hiền Lê. Nhìn tracklist toàn là nhạc ngoại lời Việt nên cũng không hứng thú cho mấy. Khi nghe thử rồi thì thích cách chơi acoustic. Giọng hát Hiền Lê dễ thương cùng với nhạc đệm guitar mộc mạc nên dễ đi vào lòng người nghe. Cô hát lại ca khúc “Ngày mai không có anh trong đời” với cảm xúc nhẹ nhàng và tiếng đàn violin của cô mang một nỗi buồn da diết. Với “Còn làm mưa mãi” cô thả hồn theo tiếng đàn guitar và tiếng sáo xôn xao. Album được khép lại với “Mưa trên biển vắng” gợi lại với bao ký ức xưa.

Lilian: Có thể

Lần cuối cùng tôi nghe album của chị Lilian là những ca khúc ngoại remix chị hát bằng tiếng Anh. Tuy đã mấy mươi năm rồi nhưng tiếng hát của chị vẫn in sâu vào tâm trí của tôi. Mấy ngày gần đây tình cờ tìm được album Không thể của chị trên Spotify. Với chất giọng khỏe khoắn, chị xử lý “Không thể và có thể” của Phó Đức Phương bằng cảm xúc của chị hơn là kỹ thuật nên người nghe dễ cảm nhận và dễ gần. Có lần xuất hiện trong chương trình “Tuesday Live Music” của Lung Tùng Xèng, chị cho biết là chị chưa từng đi học hát bao giờ. Nhờ có chất giọng trời cho cùng với kỹ năng tự học hỏi, chị đã tạo một phong cách riêng cho chính mình. Chị có thể chuyên chở nhẹ nhàng trong giai điệu bossa-nova qua ca khúc “Vết thương cuối cùng” của Diên An. Chị có thể hòa quyện với giọng ca Quang Tuấn trong “Nỗi đau vô tình” của Huỳnh Nhật Tân. Chị có thể bốc cháy trong “Trống vắng” của Quốc Hùng. Album này đã phát hành năm 2011 nên một số bài hòa âm nghe hơi bị lỗi thời nhưng tiếng hát của chị vẫn đỉnh.

Nguyễn Đình Tuấn Dũng: Tuyển tập

Với chất giọng trầm ấm và sâu lắng, Nguyễn Đình Tuấn Dũng trình bài lại những ca khúc quen thuộc theo dạng acoustic mộc mạc và gần gũi. Chẳng hạn như anh biết bài hit thị trường của nhạc sĩ Thái Thịnh “Nếu anh được chọn lựa” thành một bài thính phòng êm dịu với tiếng hát của anh cùng với tiếng đàn dương cầm. “Hãy đến với anh”, ca khúc Pháp lời Việt, cũng được anh hát nhẹ nhàng và lãng mạn cùng với tiếng dương cầm êm dịu và tiếng đàn violin da diết. Các ca khúc như “Tình bơ vơ” (Lam Phương), “Cây đàn bỏ quên” (Phạm Duy), “Cà phê một mình” (Ngọc Lễ) đều có trong Tuyển tập những bài hát hay nhất của Nguyễn Đình Tuấn Dũng. Không rõ đây có phải là một official album của ca sĩ hay là Spotify chọn lọc.

Phạm Hoài Nam: Trịnh jazz

Đây là lần đầu tiên tôi nghe tiếng hát của Phạm Hoài Nam. Anh có chất giọng trầm ấm và cách hát lạc quan. “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” chẳng hạn, anh hát mộc mạc tuy bài phối khí rất là swing làm tôi nhớ đến phong cách của Benny Goodman. “Chiều một mình qua phố” cũng swing nhưng phong cách của Count Basie. “Sóng về đâu” chỉ đơn giản giọng hát của anh được đệm theo đàn guitar và đàn bass. Tóm lại là phần nhạc theo điệu jazz và blues đưa tiếng hát Phạm Hoài Nam lên một bậc.

Quốc Bảo và Nguyên Hà: Những bài hát dành tặng

Album này đã phát hành vào năm 2021. Thế mà giờ đây tôi mới có dịp để nghe. Mỗi ca khúc của Quốc Bảo do chính tay nhạc sĩ đệm đàn acoustic guitar được Nguyên Hà ôn lại những kỷ niệm anh đã viết tặng. Giọng hát của cô mang nhiều trải nghiệm nhưng lắng đọng hơn. Với phần mộc mạc của đàn guitar, cô hát với những cảm xúc của chính mình.